Dương Vân Nga là Hoàng hậu của 2 vị Hoàng đế thời kỳ đầu lập quốc trong lịch sử Việt Nam - Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Bà đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê.
Năm 979, Đinh Tiên Hoàng bị hoạn quan Đỗ Thích giết hại. Triều thần tôn Vệ Vương Đinh Toàn mới được 6 tuổi lên ngôi Hoàng đế, tôn Dương Vân Nga làm Hoàng Thái Hậu. Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn (Lê Đại Hành) được Dương Thái hậu chọn làm Nhiếp chính. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp thấy quyền lực rơi vào tay Lê Hoàn nên kéo quân về Hoa Lư tiến đánh. Ở biên giới phía Bắc, giặc Tống lợi dụng tình hình Đại Cồ Việt rối ren, chuẩn bị cất binh xâm lược.
Trước tình thế đó, Dương Vân Nga đã đi một nước cờ rất cao tay, cùng lúc hóa giải tất cả. Bà đã góp phần giữ cho giang sơn thanh bình, chuyển giao quyền lực đúng thời điểm lịch sử, chọn đúng người tài đứng ra giúp nước thông qua việc nhường ngôi cho Lê Hoàn. Xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, việc đánh giá anh hùng cũng phân làm hai loại: nam thì mới được gọi “anh hùng”, còn nữ nhi thì phải gọi là “anh thư”. Thế nhưng, có thể coi Dương Vân Nga là một “anh hùng”, vì bà đã có đủ can đảm và sáng suốt để có được một quyết định đúng đắn mang tầm vóc lịch sử trong thời khắc rối ren, không đem ánh mắt riêng tư để nhìn việc của muôn nhà.