Bà Đoàn Thị Điểm hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, sinh vào đầu thế kỷ thứ 18 đời nhà Hậu Lê. Mặc dù là phận gái, nhưng với tư chất thông minh đặc biệt, ngay từ thuở nhỏ bà Đoàn Thị Điểm đã được học đủ Tứ Thư, Ngũ Kinh. Bà kết hôn với ông Nguyễn Kiều – một người học rộng tài cao. Sống với nhau chưa được bao lâu thì chồng bà nhận được lệnh phải đi sứ sang Trung Quốc. Bà Đoàn Thị Điểm một mình chăm sóc cả hai gia đình nội ngoại.
Trong khoảng thời gian này, bà nhận được bản Chinh Phụ Ngâm Khúc viết bằng Hán văn của Đặng Trần Côn. Tâm hồn người nữ sĩ rung động, đồng cảm với tâm trạng của người chinh phụ, bà đem hết sự xúc cảm của tâm hồn, diễn Nôm tác phẩm Chinh Phụ theo lối thơ trữ tình Việt Nam là song thất lục bát. Đây một là một thể thơ độc đáo do dân tộc ta sáng tạo nên.
“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một mầu.
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”
Chinh Phụ Ngâm gồm 412 câu thơ là tiếng lòng của một người vợ có chồng đang rong ruổi nơi biên thùy. Sự thủy chung, tình cảm son sắt vợ chồng được bà khéo léo đưa vào áng thơ làm rung động lòng người.